Các mẹ sau khi sinh đều mong muốn mình có thật nhiều sữa cho con bú. Mặc dù có nhiều trường hợp sữa mẹ ít dần đi nhưng mẹ vẫn chưa cảm nhận được, khiến con luôn bú chưa đủ no dẫn đến quấy khóc. Vì thế, nội dung bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về vấn đề ít sữa mẹ và đồng thời cũng nêu ra một số cách tăng sữa mẹ hiệu quả.
1. Làm sao để biết sữa mẹ nhiều hay ít?
Có nhiều cách để nhận biết lượng sữa mẹ nhiều hay ít. Trong đó quan sát biểu hiện của trẻ khi bú và hình dáng bầu ngực của mẹ là cách đơn giản nhất. Đơn giản hơn nữa để biết lượng sữa mẹ thì chỉ cần thực hiện hút sữa và đo lại theo từng cữ là được.
1.1 Dấu hiệu nhận biết lượng sữa mẹ qua biểu hiện của trẻ:
- Trường hợp mẹ ít sữa: Trẻ bú trong thời gian ngắn và không tập trung, mỗi nhịp bú trẻ cần 5 nhịp mới nuốt… Đây chính là biểu hiện của việc mẹ ít sữa nên trẻ không bú đủ hoặc khó bú được. Trẻ bú không đủ no sẽ quấy khóc và chậm tăng cân.
- Trường hợp mẹ nhiều sữa: Trẻ sẽ bú từ 5 đến 10 phút cho mỗi bên ngực, nhịp bú khoảng 3 nhịp trẻ sẽ nuốt. Thông thường trẻ bú đủ no sẽ chơi ngoan, ngủ ngon và tăng cân đều.
1.2 Dấu hiệu nhận biết lượng sữa mẹ qua hình dáng bầu ngực của mẹ
- Trường hợp mẹ ít sữa: Trong trường hợp này, bầu ngực của mẹ cũng không căng tròn hay có cảm giác tức sữa. Ngoài ra, dáng ngực mẹ sẽ mềm, nhỏ, sữa mẹ hút ra thường trong và không sánh đục.
- Trường hợp mẹ nhiều sữa: Dáng ngực của mẹ có nhiều sữa sẽ căng tròn, thỉnh thoảng sẽ có sữa tự chảy ra. Nếu mẹ không cho con bú hoặc không hút sữa từ 2 giờ trở lên thì ngực sẽ căng tức.
2. Ít sữa sau sinh, càng ngày càng ít sữa do đâu?
Tình trạng mẹ ít sữa hoặc càng ngày sữa càng ít đi là do sự thiếu hụt của hai hormon: Prolactin tạo sữa và Oxytocin tiết sữa. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường do yếu tố khách quan và chủ quan.
- Nguyên nhân khách quan: Các trường hợp mẹ đã từng phẫu thuật ngực hoặc đang điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến vú. Hay quá trình sinh nở mẹ bị nhiễm trùng, bị sót rau tiền đạo, bị mất máu quá nhiều, bị mất cân bằng nội tiết tố… Tất cả những vấn đề đó đều khiến mẹ có thể bị ít sữa sau sinh và dần dần dẫn đến mất sữa nếu không khắc phục sớm.
- Nguyên nhân chủ quan: Tất cả các yếu tố như quá trình ăn uống, nghỉ ngơi và môi trường sinh hoạt của mẹ đều có thể ảnh hưởng đến lượng sữa được tiết ra. Bên cạnh đó, các mẹ cũng dễ bị ảnh hưởng tâm lý, căng thẳng, lo âu khiến lượng sữa giảm dần. Các trường hợp mẹ cho con bú không đúng cách, khớp bú bị sai cũng sẽ dẫn đến việc mẹ dần ít sữa.
Tóm lại, việc ít sữa sau sinh ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ của các mẹ bỉm. Vì vậy, các mẹ cần quan sát, theo dõi con bú mỗi cữ, lượng sữa hút ra để xác định nguyên nhân và khắc phục kịp thời. Tránh để việc ít sữa diễn ra quá lâu, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ và tinh thần của mẹ.
3. Cách điều trị ít sữa sau sinh
Tình trạng ít sữa sau sinh rất phổ biến nên phương pháp điều trị cũng có nhiều cách khác nhau. Bên cạnh các cách thông dụng như cho trẻ bú nhiều, hút sữa, ăn thực phẩm lợi sữa, thư giãn tâm lý, massage… thì một số mẹo dân gian cũng khá phù hợp. Vì vậy, mẹ bỉm hãy tham khảo và xác định phương pháp phù hợp với bản thân để điều trị tình trạng này sớm nhất.
3.1 Sử dụng lá bồ công anh để kích sữa
Lá bồ công anh có rất nhiều công dụng cho sức khỏe con người. Đây là một trong những phương pháp dân gian được lưu truyền để gọi sữa về cho mẹ ít sữa rất hiệu quả.
Mẹ sử dụng lá bồ công anh đã được hơ nóng rồi áp vào bầu ngực cho đến khi lá nguội. Lúc này sức nóng từ lá bồ công anh sẽ giúp làm tan các cục sữa vón cục, cải thiện tình trạng tắc tia sữa. Ngoài ra, mẹ có thể kết hợp uống nước lá bồ công anh để giúp cải thiện lượng sữa tốt hơn.
3.2 Sử dụng lá mít để kích sữa
Tương tự như bồ công anh, lá mít cũng được sử dụng phổ biến với các mẹ ít sữa. Mẹ sẽ chuẩn bị 7 lá mít non (nếu sinh con trai) hoặc 9 lá mít non (nếu sinh con gái) đem rửa sạch, đun cùng với nước. Sau đó, đợi nước bớt nóng thì nhúng lược gỗ vào nước rồi chải lên bầu ngực theo chiều từ trên xuống dưới, đẻ con trai chải 7 cái, đẻ con gái chải 9 cái. Thực hiện xong, mẹ hãy dùng khăn xô nhúng vào nước lá mít để lau lại bầu ngực cho sạch. Bên cạnh đó, mẹ có thể đun nước lá mít non để uống hằng ngày.
3.3 Sử dụng ngọn dứa non để kích sữa
Áp dụng số lượng ngọn dứa non như số lượng lá mít, 7 ngọn với bé trai hoặc 9 ngọn với bé gái. Sau đó, cắt hết phần xanh chỉ lấy phần trắng, băm nhỏ nấu cùng thịt nạc hoặc ninh xương ăn. Mẹo dân gian này sẽ giúp lượng sữa mẹ được cải thiện rõ rệt.
Trên đây là thông tin về cách tăng sữa cho mẹ ít sữa, hy vọng các mẹ bỉm gặp phải tình trạng ít sữa sau sinh sẽ sớm giải quyết được vấn đề này. Lượng sữa mẹ sẽ ngày càng dồi dào, phục vụ đủ nhu cầu của trẻ hàng ngày.