Một trong những phương pháp được đánh giá hiệu quả và đơn giản để chữa tắc tia sữa sau sinh tại nhà chính là chườm bầu ngực. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một vài thông tin giải đáp cho các mẹ sau sinh bị tắc tia sữa nên chườm nóng hay lạnh? Cách chườm sẽ mang đến hiệu quả nhanh nhất khi bị tắc tia sữa?
1. Bị tắc tia sữa nên chườm nóng hay lạnh?
Trước khi thực hiện phương pháp chườm khăn điều trị tắc tia sữa, trước hết bạn cần biết rõ việc chườm nóng và chườm lạnh là như thế nào.
Về cơ bản, hai phương pháp này đều sử dụng nhiệt độ để tác động lên vùng ngực nhằm làm giảm triệu chứng sưng tấy, đau nhức trên cơ thể. Tùy vào từng tổn thương nhất định, chúng ta sẽ phải áp dụng chườm nóng hoặc lạnh cho phù hợp, tránh làm tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với tắc tia sữa, nhiều người thường chọn cách chườm nóng để điều trị. Bởi theo suy nghĩ của mọi người, nhiệt độ cao từ khăn ấm sẽ giúp vùng ngực bớt căng tức, làm tan phần sữa vón cục trong tia sữa, qua đó làm dịu cơn đau. Do đó theo nghiên cứu, khi bị tắc tia sữa, mẹ sau sinh không nên chườm lạnh, mà hãy chườm nóng.
2. Lý do không nên chườm lạnh khi bị tắc tia sữa sau sinh.
Theo cơ chế về nhiệt độ thì khi nóng các mạch máu sẽ giãn nở, trong khi lạnh các mạch máu thường co rút vào. Như vậy, có thể thấy việc chườm lạnh không những không xử lý được tắc tia sữa mà còn làm tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.
Thực tế thì chườm lạnh là phương pháp được áp dụng rất hiệu quả cho các vấn đề liên quan đến chấn thương, sưng tấy, phù nề khi bị va chạm từ bên ngoài. Sử dụng khăn lạnh, khăn ủ đá lạnh, nước lạnh dưới 15 độ C để chườm lên khu vực bị tổn thương sẽ có tác dụng giảm đau, giảm sung huyết cục bộ và giảm thân nhiệt. Tuy nhiên, trường hợp tắc tia sữa không nên áp dụng chườm lạnh bởi nhiệt độ thấp sẽ tác động lên tuyến vú làm các chất béo trong sữa dễ đông hơn. Điều này đồng nghĩa với việc mạch máu và tuyến sữa cũng co rút lại, từ đó tạo sức ép lớn lên dòng chảy sữa, khiến vùng ngực trở nên căng cứng và đau nhức nhiều hơn.
3. Cách chườm nóng khi bị tắc tia sữa
Để chườm nóng trị tắc tia sữa hiệu quả thì mẹ sẽ cần tìm hiểu về lợi ích của phương pháp này và các bước thực hiện.
3.1 Lợi ích chườm nóng khi tắc tia sữa
- Nhiệt độ khi chườm nóng sẽ giúp làm tan vùng sữa vón cục, sữa trong bầu ngực từ đó sẽ được lưu thông.
- Chườm nóng có tác dụng làm mạch máu và ống dẫn sữa trong tuyến vú giãn nở nhờ vào nhiệt độ. Nhờ đó, máu sẽ lưu thông đến vùng bị tổn thương được đều và nhanh chóng hơn, cải thiện tình trạng tắc tia sữa.
- Ngoài việc hỗ trợ phá tan các cục sữa ứ đọng, chườm nóng cũng là một cách giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng. Khi tinh thần thoải mái, cơ thể cũng tự động tiết nhiều sữa hơn.
3.2 Cách bước thực hiện chườm nóng để giảm tắc tia sữa
- Bước 1: Chuẩn bị một khăn bông mềm, sau đó ngâm khăn vào nước ấm.
- Bước 2: Rửa sạch tay và làm sạch bầu ngực.
- Bước 3: Đắp trực tiếp khăn ấm lên vùng ngực.
- Bước 4: Dùng tay massage nhẹ nhàng vùng ngực cho đến khi khăn nguội. Lặp lại từ 3 đến 4 lần cho từng bên ngực.
3.3 Lưu ý khi thực hiện chườm nóng trị tắc tia sữa
- Cẩn thận khi chườm nóng, không dùng nước quá nóng dễ bị bỏng.
- Không nên chườm nóng quá lâu, chỉ nên áp dụng phương pháp này dưới 30 phút cho một lần chườm, một ngày nên thực hiện tối đa là 3 lần.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại dầu nóng để chườm mà chỉ dùng nước ấm, với nhiệt độ phù hợp.
- Nếu sau 3 ngày liên tiếp đã thực hiện chườm nóng, hút sữa bằng máy hút sữa mà tình trạng tắc tia sữa vẫn không cải thiện, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám kịp thời.
4. Những lưu ý để không bị tắc tia sữa
Để hạn chế tắc tia sữa xảy ra, mẹ bỉm cần lưu ý một số điều sau đây:
- Cho bé bú mẹ trực tiếp hàng ngày và nhiều nhất có thể. Nếu vẫn còn sữa sau khi bé bú, bạn cần hút kiệt sữa trong bầu ngực để tránh sữa ứ đọng dẫn đến tắc tia.
- Ăn uống sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ cho cơ thể khỏe mạnh.
- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh các áp lực và suy nghĩ tiêu cực.
- Uống nhiều nước mỗi ngày hỗ trợ tăng sản xuất sữa.
Với các thông tin có trong bài viết, chắc hẳn mẹ sau sinh bị tắc tia sữa đã tìm được câu trả lời đúng khi tắc tia sữa chườm nóng hay lạnh. Hy vọng các mẹ bỉm sẽ tránh được tình trạng tắc tia sữa hoặc nếu gặp phải cũng tìm được cách xử lý kịp thời, hiệu quả ngay tại nhà.