Có thể mẹ không biết, sữa mẹ có tới 90% là nước và thường sữa đầu sẽ trông loãng hơn vì chứa nhiều nước, lactose và protein. Còn sữa tiết sau cữ bú thì giàu chất béo, vi khoáng nên trông sẽ đặc hơn. Thế nhưng, tình trạng sữa mẹ ít và loãng cũng khiến rất nhiều mẹ đau đầu. Bài viết dưới đây sẽ đem đến các thông tin hữu ích giúp các mẹ giải đáp 3 câu hỏi thường gặp nhất của tình trạng này.
1. Sữa mẹ ít và loãng có ảnh hưởng đến cân nặng của con không?
Khi thấy nguồn sữa mẹ ít và loãng, nhiều người chắc chắn sẽ nghĩ đến việc không biết sữa có đủ dưỡng chất cho con hay không? Việc con bú sữa mẹ ít váng đi kèm với loãng thì có tăng cân hay không?
Trên thực tế và dựa theo các nghiên cứu của nhiều tổ chức y tế thế giới thì sữa mẹ dù ít và loãng vẫn cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ. Theo đó, mẹ chỉ cần lưu ý cho con bú cạn hết sữa, không nên bỏ sữa đầu hoặc không cho con bú đến sữa cuối. Bởi nếu không được bú đủ no sẽ dẫn đến việc cơ thể trẻ thiếu chất.
Việc trẻ tăng cân đều đặn sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng hấp thụ dưỡng chất của trẻ. Còn việc sữa mẹ ít và loãng đơn thuần cũng không gây ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ nếu mẹ đảm bảo cho con bú đủ cữ sữa trong ngày. Để có thể biết được màu sữa cũng như lượng sữa của mẹ thì các mẹ cần thực hiện thao tác hút sữa. Quá trình hút sữa mẹ sẽ để ý xem lượng sữa loãng chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm, mỗi cữ sữa hút được bao nhiêu ml. Từ đó có thể cân đối để cho con bú đủ cả sữa đầu và cuối.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sữa mẹ ít váng, loãng?
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, tình trạng sữa mẹ ít váng, loãng thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhìn màu sắc của sữa có thể khiến các mẹ cảm thấy phân vân. Bởi vì, có nhiều mẹ có dòng sữa trông màu sắc sánh quyện, vàng, đặc khá hấp dẫn. Trong khi đó, có mẹ sữa trong như nước vo gạo nên cảm giác không an tâm.
Khi lý giải hiện tượng này, các nhà khoa học đã chỉ ra một số nguyên nhân như sau:
- Vì sữa mẹ có đến 90% là nước do đó việc những dòng sữa đầu (hay còn gọi là sữa trưởng thành) có màu sắc trong.
- Trường hợp mẹ cho bé bú không đúng cách, không bú kiệt sữa trong mỗi cữ ăn cũng có thể dẫn đến sữa loãng. Chính vì thế, để chất lượng sữa “đặc hơn” và sản lượng nhiều hơn, mẹ cần cho bé bú đúng cách và thường xuyên.
- Màu sắc của sữa mẹ nhiều khi cũng sẽ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người mẹ. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, mẹ nên cho con bú từ 15-20 phút để bé có thể bú được tới phần sữa đặc hơn chính là sữa cuối của một cữ sữa.
3. Làm thế nào để cải thiện tình trạng sữa mẹ ít và loãng?
Như đã nói ở trên, việc sữa loãng có màu sắc trong như nước vo gạo hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến lượng dưỡng chất cung cấp cho trẻ. Thế nên nếu gặp phải tình trạng sữa mẹ ít và loãng thì điều cần cải thiện chính là việc sữa ít.
Ngoài việc giữ một tâm trạng thoải mái, ăn uống đầy đủ cũng là một cách hỗ trợ sữa về nhiều hơn:
3.1 Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây
Việc ăn nhiều rau xanh và trái cây sẽ cung cấp cho mẹ một lượng vitamin, chất xơ đầy đủ, tăng chất lượng của sữa. Đồng thời, khi mẹ cải thiện được nguồn dinh dưỡng thì sữa mẹ cũng sẽ mát hơn, trẻ bú mẹ sẽ không lo bị táo bón.
3.2 Bổ sung các nhóm thực phẩm giàu canxi, DHA
Việc mẹ bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu canxi, DHA sẽ hỗ trợ cho nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ được tốt hơn. Bên cạnh đó, các nhóm thực phẩm này cũng sẽ hỗ trợ để mẹ cải thiện sức khỏe, tránh loãng xương.
3.3 Uống đủ nước mỗi ngày
Một yếu tố cũng vô cùng quan trọng đó là mẹ cần bổ sung nước đầy đủ mới có lượng sữa dồi dào và tốt nhất cho con. Trung bình mẹ bỉm nên uống 2 lít nước mỗi ngày.
3.4 Một số thực phẩm giúp sữa mẹ đặc hơn
Theo dân gian, có một số loại thực phẩm khi bổ sung vào thực đơn của mẹ sẽ giúp cho sữa mẹ đặc hơn. Trong đó, cà rốt và bí đỏ là hai loại thực phẩm cung cấp hàm lượng lớn chất xơ, vitamin A, C, kẽm, magie, omega 3 và beta carotene,… là một trong những thành phần có thể cải thiện chất lượng sữa và làm đặc sữa mẹ rất tốt. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin A cao có trong cà rốt cũng làm mát sữa mẹ, giảm tình trạng con bị nóng trong, mẩn ngứa.
Hy vọng những thông tin có trong bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng sữa mẹ ít và loãng. Đồng thời, cũng sẽ giúp giải tỏa những nỗi lo mơ hồ về vấn đề sữa loãng mà các mẹ luôn băn khoăn suốt thời gian qua.